Hoàng đế cuối cùng Lý_Chiêu_Hoàng

Nhà Lý đã suy yếu từ thời ông nội Lý Chiêu Hoàng là Lý Cao Tông. Đến khi cha bà là Lý Huệ Tông lên ngôi, thì chính quyền nhà Lý đã quá suy yếu, để các thế lực khác tranh chấp.

Năm Giáp Thân, Kiến Gia năm thứ 14 (1224), tháng 10, Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập Chiêu Thánh công chúa làm Hoàng thái nữ (皇太女), rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo (天彰有道), với tôn hiệu là Chiêu Hoàng (昭皇).

Năm Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 (1225), họ Trần do nắm quyền hành, lần lượt được ban tước quan trọng cho con em trong họ. Trần Bất Cập là cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú được phong Cận Thị thự Lục cục Chi hậu[3], Trần Thiêm làm Chi Ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ.

Trần Cảnh là con quan Thái úy Trần Thừa, mới 8 tuổi được đưa vào hầu gần Chiêu Hoàng. Trần Cảnh cùng gần tuổi với Chiêu Hoàng, được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Từ đó, nhà Trần được thành lập.

Năm Ất Dậu (1225), ngày 21 tháng 10 (tức ngày 22 tháng 11 dương lịch), Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Ngày 11 tháng 12 năm ấy (tức ngày 10 tháng 1 năm 1226), Chiêu Hoàng bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An, dựng lên nhà Trần, sử gọi là Trần Thái Tông.[4] Chiêu Hoàng được Thái Tông phong làm Hoàng hậu.

Từ đây, nhà Lý hoàn toàn chấm dứt sau 216 năm cai trị.

Đại Việt sử ký toàn thư

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:

... Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn chầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?"

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn chầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi".

Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng:

"Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết".

— Đại Việt Sử ký Toàn thư

Đại Việt sử lược

Sự việc do Đại Việt sử lược chép lại khác đi so với Toàn thư. So với Toàn thư, Đại Việt sử lược là sách xưa hơn (vào khoảng thời Trần, còn Toàn thư là thời Hậu Lê) nên thông tin cũng rất đáng tham khảo.

(Lưu ý rằng: Đại Việt sử lược bản gốc đã bị đem sang Trung Quốc cùng nhiều bộ sử liệu khác sau giai đoạn Minh thuộc vào cuối đời Trần. Tư liệu được tham khảo hiện tại thực chất xuất phát từ sách Việt sử lược được các học giả Trung Quốc sưu tập lại rồi biên soạn vào pho đại bách khoa Khâm định tứ khố toàn thư dưới triều Thanh. Vì vậy mà sách này đã giáng tước vị hoàng gia của tất cả triều đại Việt Nam được biên lại xuống tước Vương).

Năm Ất Dậu [năm 1225-ND] là năm Kiến Gia thứ 15. Tháng 6, nhà vua nhường ngôi cho con thứ hai là Chiêu Thánh công chúa. Chiêu Thánh lên ngôi lấy hiệu là Chiêu Vương, tôn vua Huệ Tông làm Thái thượng vương, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.

Mùa đông, tháng 11, Thái thượng vương thấy Nữ vương còn nhỏ, lấy làm lo âu mới cho mời Phùng Tá Chu đến mà định mưu nói rằng: "Trẫm vì không có đức, Trẫm mắc tội với trời, cho nên bị tuyệt hậu, không có con để nối dõi. Nay Trẫm truyền ngôi cho con gái, nhưng thấy một người đàn bà mà khiến bảo đám đàn ông, như có điều là bọn chúng không giúp cho, tất đến lúc hối hận lại thì cơ nghiệp đã mất rồi. Chi bằng Trẫm theo cái phép thuở xa xưa của Đường Nghiêu, cái thể thức gần đây là Nhân Tổ (tức Lý Nhân Tông), để kén chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay có điều Trẫm thấy là mỗ người con thứ hai của Thái úy (Trần Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể giúp đời, yên dân. Cho nên, Trẫm muốn dùng làm con mà làm chủ cơ nghiệp nước nhà. Vả lại, Trẫm thấy Chiêu vương cũng xứng đôi với mỗ. Các khanh hãy vì Trẫm mà nói với quan Thái úy rõ".

Thái Tổ (Trần Thừa) cũng chưa tin điều ấy. Quan Tả phụ là Nguyễn Chánh Lại bảo rằng: "Họ Nguyễn (tức họ Lý, do sách này viết vào thời Trần) có nước đấy. Vua hiền thì có đến sáu, bảy người gầy dựng nên cơ nghiệp, mà cái đức của họ lại có thừa, để lại cái ơn trạch thấm nhuần vào lòng người đã lâu dài rồi. Một sớm, nhà vua sợ có người khác họ làm việc kế tự nên mới có ý thăm dò thử, để xem cái ý của ta như thế nào đấy. Nếu ta nhân đó mà nhận lời, thiên hạ tất sẽ bảo Thái úy thực đã có ý soán nghịch".

Thái úy (Trần Thừa) muốn nghe theo lời của Nguyễn Chánh Lại thì quan Thượng phẩm Phụng ngự là Trần Thủ Độ nói rằng: "Lời Tả phụ sai rồi! Nếu mà vương thượng có con trai mà lại nhường ngôi cho Nhị lang (tức Trần Cảnh) thì việc trái nghĩa ấy ta không thể vâng chiếu được. Nay, Vương thượng không người kế tự, ý muốn chọn người hiền để phó thác ngôi cao. Đó là vương bắt chước việc nhường ngôi của Nghiêu Thuấn thuở xa xưa. Vậy mà lo ngại nữa sao? Huống chi, ngôi chí tôn không thể để khuyết lâu, mà ý thoái lui của vương thượng thì đã quyết, vương thượng đã dứt khoát chọn người khác họ để cho nối ngôi, liệu ta không muốn nghe theo mà được chăng? Nhị lang được vương thượng chọn cũng là ý trời, trời đã ban cho mà không nhận là có tội ấy. Xin quan Thái úy hãy xét kỹ".

Mùa thu, tháng chạp nhà vua sai quan Nội thị Phán thủ là Phùng Tá Chu, quan Nội hành khiển Tả ty Lang trung là Trần Chí Hoành, các tướng văn võ trong ngoài và các viên quan lại hãy quản lãnh thuyền rồng, chuẩn bị pháp giá đến phủ Cương Tinh mà đón Thái tổ ta (Trần Thừa).

Đến ngày mùng một tháng chạp năm đó [năm Ất Dậu-1225] con của Trần Thừa là Trần Cảnh nhân việc nhường ngôi mà lên làm vua ở tại điện Thiên An. Rồi tôn Thuận Trinh Vương hậu làm Thái hậu và giáng Chiêu vương xuống làm Chiêu Thánh Vương hậu. Đổi niên hiệu là Kiến Trung. Thái thượng vương cùng với mẹ của ngài là bà Thái hậu Đàm thị đi ra ở nơi chùa Phù Liệt, lấy hiệu là Huệ Quang Thiền sư.

— Đại Việt sử lược

Theo đó, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vào tháng 6 năm Ất Dậu (năm 1225) và nhường ngôi vào tháng 11, chỉ vỏn vẹn gần nửa năm trên ngai vàng.

Sự việc Phùng Tá Chu khuyên can không được ghi chi tiết ở Toàn thư, tuy nhiên khi ghi chép về sự việc nhường ngôi thì Ngô Sĩ Liên có phê rằng: "Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý." Điều này chứng tỏ thông tin Phùng Tá Chu dẫn việc Lữ hậu Võ hậu ảnh hưởng chuyện Huệ Tông quyết định chọn Trần Cảnh làm rể của Đại Việt sử lược là chính xác.